Chiều ngày 26/2/2024, Khoa Luật – Trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến các bên liên quan về chương trình đào tạo ngành Luật trình độ thạc sĩ” tại Nhà Điều Hành - Khu II, Trường Đại học Cần Thơ. Hội thảo là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được tổ chức nhằm tiếp thu ý kiến của các bên liên quan về chương trình đào tạo dự kiến của ngành Luật trình độ thạc sĩ.
Khoa Luật – Trường Đại học Cần Thơ với uy tín, kinh nghiệm đào tạo và nghiên cứu khoa học trong những năm qua, đang xây dựng Đề án mở ngành mới. Do đó, thông qua hội thảo nhằm ghi nhận ý kiến của các bên liên quan như các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo bạn, người học,… để hoàn thiện chương trình đào tạo ngành Luật bậc thạc sĩ. Hội thảo không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học nhằm đóng góp ý kiến hoàn thiện chương trình đào tạo mà còn là một bước ngoặc có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển và vị thế của Khoa Luật – Trường Đại học Cần Thơ ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và trên cả nước.
Thành phần tham dự
* Đại diện các cơ sở đào tạo
˗ TS. Lê Thanh Hòa - Phó Hiệu trưởng, Trường Chính trị thành phố Cần Thơ.
˗ ThS. Trần Thị Như Tâm - Phó Trưởng BM. Luật, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ.
* Đại diện các cơ quan nhà nước, người sử dụng lao động và hiệp hội nghề nghiệp:
˗ ThS. Lê Thanh Trang – Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Cần Thơ.
˗ TS. Đồng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang.
˗ TS. Nguyễn Thanh Đình – Chủ tịch Hội Công chứng viên TP. Cần Thơ; Trưởng Văn phòng Công chứng Nguyễn Thanh Đình.
˗ ThS. Nguyễn Quốc Sử - Phó Chánh án Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều.
˗ ThS. Phan Vũ Linh - Phó Chánh án Tòa án nhân dân quận Cái Răng.
˗ ThS. Nguyễn Xuân Lộc - Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiều.
˗ ThS.Nguyễn Thị Xuân Diện - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ
˗ Ông Phạm Văn Luận - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ.
˗ ThS.Võ Hoàng Tâm – Giám đốc Công ty Luật Cilaf & Cộng sự.
˗ ThS. Chử Duy Thanh - Trưởng Văn phòng Công chứng Chử Duy Thanh.
˗ BTV. Cao Thị Lan Phương - Báo Cần Thơ.
*Đại diện Trường Đại học Cần Thơ
˗ PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung - Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Cần Thơ.
˗ PGS.TS. Mai Văn Nam - Trưởng khoa Sau đại học.
˗ TS. Phan Huy Hùng – Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng.
˗ TS. Nguyễn Lan Hương - Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế
˗ PGS.TS. Trương Đông Lộc - Phó Hiệu trưởng, Trường Kinh tế.
˗ PGS.TS. Phạm Thanh Vũ - Trưởng BM. Tài nguyên đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên.
*Đại diện Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ
˗ PGS.TS. Phan Trung Hiền - Trưởng khoa Luật.
˗ TS. Cao Nhất Linh - Phó Trưởng khoa Luật.
Ngoài ra còn có sự tham dự của các quý thầy cô là giảng viên, các học viên và cựu học viên cao học và sinh viên đang học tập và làm việc tại Khoa Luật – Trường Đại học Cần Thơ.

 

Toàn cảnh buổi Hội thảo“Lấy ý kiến các bên liên quan về chương trình đào tạo ngành Luật trình độ thạc sĩ”

 

Mở đầu, PGS.TS.Nguyễn Hiếu Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ phát biểu khai mạc và gửi chào mừng các đại biểu khách mời đến với Hội thảo “Lấy ý kiến các bên liên quan về chương trình đào tạo ngành Luật trình độ thạc sĩ”.

 
PGS.TS.Nguyễn Hiếu Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ phát biểu khai mạc hội thảo

 

Tiếp theo, PGS.TS. Phan Trung Hiền - Trưởng khoa Luật đã có lời phát biểu gửi đến các đại biểu tham dự. Theo thầy, Hội thảo được tổ chức nhằm nắm bắt cơ hội thuận lợi để có thể mở ra một ngành đào tạo cao học mới với mục tiêu mở rộng chương trình đào tạo luật, là bước ngoặt mới cho sự phát triển của Khoa Luật – Trường Đại học Cần Thơ trong tương lai. Ngoài ra còn nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu đa ngành và mong muốn tiếp tục quá trình học tập, củng cố kiến thức chuyên ngành luật của người học.

 

PGS.TS. Phan Trung Hiền - Trưởng khoa Luật

phát biểu về triển vọng của việc mở ngành đào tạo cao học Luật

 

Hội thảo được tiến hành phần nội dung dưới sự điều hành của Ban Chủ tọa gồm:
˗ PGS.TS. Phan Trung Hiền - Trưởng khoa Luật.
˗ TS. Cao Nhất Linh - Phó Trưởng khoa Luật.
˗ TS. Châu Hoàng Thân - Trưởng BM.Luật Hành chính.
Trước hết, PGS.TS.Phan Trung Hiền trình bày tham luận liên quan đến một số nội dung như các cơ sở pháp lý cho việc mở ngành đào tạo mới; nhu cầu về dự kiến mở ngành được khảo sát từ 40 chuyên gia và nhu cầu tuyển dụng đối với ngành đào tạo mới. Từ đó đưa ra những kết luận nổi bật của kết quả khảo sát nhu cầu mở ngành dự kiến mới.
Ngoài ra, PGS.TS.Phan Trung Hiền còn trình bày về mục tiêu của chương trình đào tạo ngành mới; cấu trúc chương trình đào tạo toàn khóa của từng chương trình định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng; nội dung chương trình đào tạo đã được xây dựng dựa trên những nhu cầu của xã hội về việc áp dụng các quy định pháp luật và những thế mạnh trong nghiên cứu, đào tạo thạc sĩ của Khoa Luật – Trường Đại học Cần Thơ.
Bên cạnh đó là một số lời trình bày và phân tích cụ thể các học phần của chương trình đào tạo chi tiết và sự cần thiết, vai trò của các học phần đó trong quá trình đào tạo; một vài luận giải về tính định hướng tính liên thông giữa hai chương trình ứng dụng và nghiên cứu. Cuối cùng là lời cảm ơn và lời chúc đến Hội Thảo từ PGS.TS.Phan Trung Hiền.

 

Toàn cảnh buổi hội thảo

“Lấy ý kiến các bên liên quan về chương trình đào tạo ngành Luật trình độ thạc sĩ”

 
Sau đó, các đại biểu tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến dưới sự điều hành của Ban chủ tọa về các nội dung: mục tiêu và chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, hình thức tuyển sinh,... Cụ thể như sau:
ThS.Trần Thị Như Tâm - Phó Trưởng BM.Luật, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ trình bày một số ý kiến liên quan đến chuẩn đầu ra của chương trình định hướng nghiên cứu. Về chương trình đào tạo, ThS.Trần Thị Như Tâm đề xuất bổ sung học phần liên quan đến pháp luật về hợp đồng và các môn học liên quan đến kinh tế. PGS.TS.Phan Trung Hiền phát biểu sự cân nhắc về việc xem xét thêm về các vấn đề được ThS. Trần Thị Như Tâm đưa ra.

Kế đến, TS. Phan Huy Hùng – Giám đốc Trung tâm quản lý chất lượng có đánh giá rất tốt về việc Khoa Luật đã tham khảo chương trình đào tạo của Đại học Melbourne để xây dựng chương trình cho ngành đào tạo mới; góp ý về mục tiêu cụ thể chưa khớp với chuẩn đầu ra và đưa ra một số đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp các mục tiêu cụ thể theo khung trình độ quốc gia; cân nhắc việc tinh gọn ma trận mối quan hệ mục tiêu, chuẩn đầu ra và học phần. TS. Cao Nhất Linh - Phó khoa Luật cũng trao đổi với TS. Phan Huy Hùng một số chia sẻ của việc cập nhật các thuật ngữ trong khung trình độ quốc gia và sẽ có định hướng đơn giản, thu gọn ma trận mối quan hệ mục tiêu, chuẩn đầu ra và học phần. ThS. Võ Hoàng Tâm – Giám đốc Công ty Luật Cilaf & Cộng sự đã đồng tình với ý kiến đóng góp của ThS. Trần Thị Như Tâm, đề xuất thay đổi các thuật ngữ trong chương trình đào tạo; cho rằng xây dựng chương trình đào tạo từ nhu cầu thực tế nên bổ sung thêm môn học, học phần về cơ chế trọng tài. TS. Cao Nhất Linh cho biết các môn về hợp đồng, Khoa Luật sẽ họp lại để xem xét có nên tách ra thành môn học riêng biệt hay không và tăng thêm dung lượng kiến thức pháp luật về hòa giải cũng như cơ chế trọng tài vào trong các môn tố tụng hiện tại trong chương trình đào tạo hoặc điều chỉnh thành môn riêng.

PGS.TS.Mai Văn Nam - Trưởng khoa Sau đại học có một đề nghị điều chỉnh phần kỹ năng của cả hai chương trình định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng không nên bám quá sát nhu cầu xã hội mà cần phải hướng đến tiếp cận toàn diện pháp luật; cân nhắc mở rộng đối tượng tuyển sinh và điều chỉnh phần kiến thức chung, kiến thức khối ngành của hai chương trình nghiên cứu và ứng dụng phải có sự giống nhau để có thể giảm tải sức nặng của chương trình và dễ dàng giảng dạy, đào tạo hơn.

 
Hình ảnh khách mời phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo


Nhằm đóng góp thêm nhiều ý kiến cho Hội thảo, PGS.TS.Phan Trung Hiền mời TS. Lê Thanh Hòa - Phó Hiệu trưởng, Trường Chính trị Cần Thơ phát biểu. TS. Lê Thanh Hòa đã đánh giá rằng nhu cầu sử dụng lao động luật thiên về định hướng ứng dụng hơn nghiên cứu và người học cũng nghiên về định hướng ứng dụng hơn; nhận xét chương trình đào tạo được cấu trúc một cách khoa học rõ ràng, mạch lạc nhưng nên cấu trúc lại để các học phần phía sau có tính kế thừa học phần phía trước; việc đào tạo nhân lực ngành luật là hướng đến cái chung nhưng chương trình đào tạo lại đòi hỏi chuyên sâu quá nhiều; tỷ lệ các môn học liên quan đến đất đai nên cân nhắc xem xét lại; mở rộng đối tượng tuyển sinh hướng đến các sinh viên nước ngoài nhằm đáp ứng lộ trình phát triển xa hơn trong tương lai.

Qua những ý kiến trên, TS. Cao Nhất Linh cho biết do thiết kế chương trình đào tạo hiện tại không có môn tiên quyết nên sẽ sắp xếp lại thứ tự các môn sao cho phù hợp; thuật ngữ “chuyên sâu” không phải đòi hỏi kiến thức chuyên sâu mà sử dụng thuật ngữ này theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; cập nhật về việc chấp nhận, tuyển sinh người học nước ngoài và tiến tới thiết lập chương trình quốc tế trong tương lai; sau khi kết thúc hội thảo Khoa sẽ tham khảo hội ý lại về các ý kiến được đóng góp. GS.TS.Trương Đông Lộc - Phó Hiệu trưởng, Trường Kinh Tế đề xuất việc kiểm tra, rà soát lại các môn học bổ sung có liên quan đến kinh tế. PGS.TS. Phạm Thanh Vũ - Trưởng BM.Tài nguyên đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên nêu ra một số ý kiến nhằm hoàn thiện hơn chuẩn đầu ra và mục tiêu; đề xuất chỉnh sửa mô tả các môn học sao cho có thể nổi bật sự nâng cao, chuyên sâu của bậc đào tạo cao học.

Kế tiếp ngay sau đó, PGS.TS.Mai Văn Nam cho rằng môn thi tuyển đầu vào nên là Pháp luật đại cương bởi vì môn Phương pháp nghiên cứu khoa học Luật ở từng trường, cơ sở đào tạo là không đồng bộ và có sự khác nhau nên khi chọn môn học này khi thi tuyển sẽ làm giảm đi tỷ lệ người học ở các khu vực khác đến tham gia thi tuyển. TS. Châu Hoàng Thân - Trưởng BM.Luật Hành chính, phát biểu sẽ có một số chỉnh sửa để nổi bật lên phần chuyên sâu và cho biết môn thi tuyển Phương pháp nghiên cứu khoa học Luật chỉ dành cho chương trình định hướng ứng dụng nên sẽ cân nhắc xem xét lại vấn đề này. Vì một số lý do không thể trực tiếp đến dự Hội thảo, Ban Chủ tọa đã mời TS. Trần Lê Đăng Phương – Trường Đại học An Giang đóng góp ý kiến cho Hội thảo thông qua kênh trực tuyến. TS.Trần Lê Đăng Phương đề xuất chỉnh sửa lại nội dung vị trí việc làm cho phù hợp; bổ sung các mục tiêu cụ thể cho khác biệt hơn so với chương trình bậc cử nhân; đề nghị nên có thêm những môn học gắn kết với thực tế hiện nay như vấn đề chuyển đổi số.

Sau đó, Ông Phạm Văn Luận - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Cần Thơ đã có một số đánh giá về Hội thảo và cho rằng các môn học được xây dựng liên quan đến đất đai mà Hội thảo đưa ra rất phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, sau khi hoàn thiện ngành đào tạo mới này sẽ cung cấp cho thực tiễn một nguồn nhân lực vô cùng quan trọng và cần thiết trong các vấn đề liên quan đến pháp luật đất đai. TS. Nguyễn Thanh Đình – Chủ tịch Hội Công chứng viên Thành phố Cần Thơ, Trưởng Văn phòng Công chứng Nguyễn Thanh Đình đã đồng tình với việc Khoa mở thêm chương trình đào tạo ngành luật trình độ thạc sĩ; đề xuất nội dung chuẩn đầu ra nên phân tầng ra thành kỹ năng chung, kỹ năng cụ thể; cho rằng môn học về hợp đồng đã được học ở bậc cử nhân vì thế không cần thiết phải bổ sung thêm thành một môn học riêng biệt và cân nhắc phát triển thêm môn học đặc trưng cho khu vực ĐBSCL như Luật nông nghiệp. ThS. Nguyễn Thị Xuân Diện - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ đề xuất nên trang bị, nâng cao khả năng nghiên cứu, đề xuất luật của người học, đặc biệt với người học là công chức; đề xuất thêm nội dung liên quan đến bảo hiểm xã hội vào trong phần luật lao động.

PGS.TS.Phan Trung Hiền có chia sẻ về môn thi đầu vào khác là môn Lý luận nhà nước và pháp luật và việc đưa môn mới vào do tỷ lệ học lý thuyết mà không thể áp dụng thực tiễn quá cao nên đưa môn mới nhằm đánh giá tư duy, khả năng xử lý của người thi tuyển và mở rộng được đối tượng tuyển sinh cho ngành đào tạo mới. ThS. Nguyễn Quốc Sử - Phó Chánh án Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều cho rằng mục tiêu đào tạo không chỉ là mạnh ở khu vực ĐBSCL mà là trên toàn quốc; ngoài yếu tố dựa trên thực tiễn và nhu cầu xã hội mà chương trình đào tạo còn phải phụ thuộc vào khả năng và lực lượng đào tạo nên không thể nào yêu cầu bắt buộc thêm các môn chuyên sâu mà không có nhân sự giảng dạy.

ThS. Phan Vũ Linh - Phó Chánh án Tòa án Nhân dân quận Cái Răng không có ý kiến về chuyên môn nhưng đề xuất bổ sung mục tiêu cụ thể bám sát mục tiêu chung; sửa đổi các vị trí việc làm thư ký tòa án thành các chức danh tư pháp bởi vì cơ hội, vị trí việc làm ở hệ thống Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra không chỉ gói gọn ở vị trí thư ký tòa án; về vấn đề liên quan đến việc bổ sung các môn học về hợp đồng, nghiên cứu chuyên sâu về hợp đồng lao động là xác đáng, giúp cho chương trình đào tạo đa dạng phong phú hơn về các môn học. TS.Cao Nhất Linh cho biết nội dung về vị trí việc làm được quy đinh phải liệt kê cụ thể vị trí nào và sẽ bổ sung thêm vài vị trí cụ thể theo ý kiến của đại biểu; về vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực thì Khoa sẵn sàng mời các giảng viên khác bên ngoài Trường để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nhân lực giảng dạy các môn học chuyên sâu.

PGS.TS. Nguyễn Thị Bảo Anh đề xuất môn thi tuyển đầu vào là môn Luật Dân sự chung chính là giải pháp tối ưu ở thời điểm hiện tại; các môn học như An sinh xã hội, Luật hình sự quốc tế có thể trở thành môn tự chọn thay thế các môn học Tố tụng hình sự, Tố tụng dân sự vì đã học ở bậc cử nhân và phát biểu ý kiến rằng môn Triết học có cần thiết hay không. Kế tiếp ngay sau đó, TS.Cao Nhất Linh cho biết sẽ suy xét lại các ý kiến có bổ sung các môn học mà đại biểu đề xuất được hay không vì tổng số môn tự chọn so với bắt buộc và sẽ có hội ý lại các ý kiến đóng góp của các đại biểu.

 
Hình ảnh khách mời phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo

 

ThS. Nguyễn Xuân Lộc - Kiểm sát viên Viện kiểm sát Nhân dân quận Ninh Kiều lại cho rằng môn thi tuyển đầu vào của nhóm định hướng ứng dụng là môn Phương pháp nghiên cứu khoa học Luật rất cần thiết và có một số đánh giá cao vai trò của môn Luật so sánh chuyên sâu có thể giúp người học hình thành tư duy so sánh pháp luật từ đó áp dụng pháp luật một cách triệt để hơn. Phần lấy ý kiến từ bên liên quan cuối cùng đó chính là phía người học với đại diện là học viên Lâm Vĩ Khang, Khóa 29 Luật Kinh tế định hướng nghiên cứu, đề xuất môn thi tuyển đầu vào là Phương pháp nghiên cứu khoa học Luật nên đổi tên lại cho phù hợp.

 
  
Hình ảnh khách mời phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo



Sau 3 giờ làm việc liên tục không nghỉ, Hội thảo đã kết thúc với phần phát biểu cảm ơn của PGS.TS.Phan Trung Hiền. Những ý kiến đóng góp, đề xuất sửa đổi của các đại biểu đưa ra đã góp phần mở rộng tầm nhìn ở nhiều góc độ, tất cả các ý kiến đều vô cùng ý nghĩa đối với việc xây dựng chương trình đào tạo Luật trình độ thạc sĩ của Khoa Luật – Trường Đại học Cần Thơ. Lời cuối cùng PGS.TS.Phan Trung Hiền một lần nữa cảm ơn đại biểu đã dành thời gian quý báu đến dự Hội thảo và góp phần làm cho Hội thảo thành công một cách trọn vẹn.

 

Toàn thể đại biểu tham dự Hội thảo

“Lấy ý kiến các bên liên quan về chương trình đào tạo ngành Luật trình độ thạc sĩ”


_________________________
Bài viết: Tường Vi, Diễm Trinh
Hình ảnh: Thanh Trang, Cẩm Tiên
Ban truyền thông - Đoàn khoa Luật

 

Thông báo mới

Số lượt truy cập

1761430

KHOA LUẬT - ĐẠI HỌC CẦN THƠ

Địa chỉ: Khu II, đường 3/2, p. Xuân Khánh, q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Số điện thoại: (84-292) 3832 569; Email: kl@ctu.edu.vn