Nghiên cứu của áp dụng lẽ công bằng để áp dụng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đã trở thành một xu thế tất yếu trong bối cảnh Việt Nam đã ghi nhận lẽ công bằng trong quy định pháp luật. Cụ thể tại Điều 6 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định: “1. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự; 2. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”. Với quy định này có thể thấy pháp luật phát sinh từ các quan hê xã hội, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, nhưng khi pháp luật không còn theo kịp các quan hệ xã hội ngày một phát sinh đa dạng, phong phú và phức tạp thì chúng ta cần có các nguồn bổ trợ để giúp cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Vì vậy, như một dự liệu của giải pháp nhằm điều chỉnh kịp thời các tranh chấp dân sự phát sinh mà chưa có luật để áp dụng và không có tập quán hay các nguồn khác để giải quyết, đó chính là lẽ công bằng.
Để có cơ hội nhìn rõ hơn về loại cơ sở mới này cũng như hoàn thiện hơn việc áp dụng cho đúng với tinh thần của pháp luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo nhằm tạo cơ hội gặp gỡ, giao lưu cũng như trao đổi giữa các đại diện của các đơn vị khác nhau có liên quan đến pháp luật như Bà Triệu Tuyết Mai Hương - Phụ trách dự án của Quỹ Rosa Luxemburg; Ông Tống Anh Hào - Nguyên Phó chánh án Toà án nhân dân tối cao; PGS.TS Eriko Taoka - ĐH Rykkyo, Nhật Bản; Luật sư Trương Thị Hoà - Đoàn luật sư TP. HCM; Thẩm phán Quách Hữu Thái - Chánh án toà án nhân dân Quận 1, TP.HCM, PGS.TS Lê Vũ Nam - Phó hiệu trưởng Trường; PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện - Nguyên Phó hiệu trưởng Trường, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng khoa Luật, PGS.TS Đoàn Thị Phương Diệp - Trưởng phòng Thanh tra pháp chế và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên của các trường đại học trong cả nước, trong đó có đại diện là giảng viên đến từ trường Đại học Cần Thơ.
Thầy, Cô trong Đoàn chủ tọa |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lê Vũ Nam – Phó Hiệu trưởng chia sẻ: “Ngay từ ngày đầu khi khởi xướng ý tưởng về lẽ công bằng, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của những nhà nghiên cứu, người áp dụng pháp luật từ mọi lĩnh vực. Nếu ở các quốc gia theo hệ thống Thông luật, việc áp dụng nguyên tắc “lẽ công bằng” đã có lịch sử rất lâu đời, thì tại Việt Nam, nguyên tắc này còn khá mới mẻ”.
Thầy, Cô là giảng viên, nguyên giảng viên Khoa Luật, Đại học Cần Thơ |
Thầy, Cô Khoa Luật tham gia Hội thảo về lẽ công bằng |
Chương trình hội thảo được thực hiện thông qua hai phiên làm việc với tổng cộng năm tham luận có hàm lượng khoa học và tính thực tế cao với các chủ đề chính xoay quanh cách hiểu về lẽ công bằng theo nhiều quan điểm, kinh nghiệm nước ngoài về lẽ công bằng và đánh giá việc áp dụng lẽ công bằng trong thực tiễn hiện nay.v.v. Cụ thể chương trình như hình ảnh bên dưới:
Chương trình hội thảo với các tham luận chi tiết |
Cùng với các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên các trường đại học khác trong cả nước, các giảng viên thuộc Khoa Luật Trường đại học Cần Thơ đã tham gia Hội thảo nhằm cập nhật, bổ sung các kiến thức có liên quan về lẽ công bằng đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về việc hiểu cũng như áp dụng lẽ công bằng trong hoạt động nghiên cứu và giảng dạy.
(Anh Thư – Khoa Luật, Đại học Cần Thơ)